Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2016

Nhiều chuyên gia bác bỏ nguyên nhân thủy triều đỏ làm cá chết ở vùng biển miền Trung

Khoảng 20h tối ngày 27/4, sau một thời gian dài nóng lòng chờ đợi của rất nhiều phóng viên các báo đài và người dân cả nước, Bộ TN&MT đã tổ chức cuộc họp chỉ trong vòng 10 phút, công bố về 2 nhóm nguyên nhân chính khiến cá chết hàng loạt tại vùng biển miền Trung trong gần 1 tháng qua.

Theo Bộ TN&MT, sau khi thành lập nhiều đoàn công tác để kiểm tra, cơ quan chuyên môn đã thống nhất nhận định có 2 nhóm nguyên nhân chính khiến cá chết:

  • Một là do tác động độc tố hoá học của con người trên đất liền và trên biển.
  • Hai là do tác động của hiện tượng tảo nở hoa (hay thủy triều đỏ).

Ông Võ Tuấn Nhân – Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết, đến thời điểm hiện nay, qua kiểm tra và thu thập chứng cứ, chưa có bằng chứng để kết luận về mối liên quan của Formosa và các nhà máy với vấn đề cá chết hàng loạt.

Tuy nhiên, công bố này của Bộ TN&MT không được truyền thông và người dân trong nước đồng tình. Nguyên nhân cá chết hàng loạt vẫn chưa được kết luận, mọi thông tin đều trở nên mù mờ.

Đặc biệt, nhóm nguyên nhân “cá chết do tác động của hiện tượng tảo nở hoa (hay thủy triều đỏ)” bị nhiều chuyên gia lên tiếng bác bỏ.

Thủy triều đỏ là gì?

Thủy triều đỏ hay còn gọi là hiện tượng “tảo nở hoa”, được biết đến như là những đợt bùng phát tảo biển nở hoa. Hiện tượng này có thể khiến nước biển có màu đỏ hoặc xanh lá cây trên cả một vùng rộng lớn, có thể nhìn thấy bằng mắt thường, tuy nhiên, khi mức độ tảo tích tụ không quá dày đặc thì sẽ không làm đổi màu nước biển.

Hiện tượng “tảo nở hoa” thường đồng hành với sự giảm thiểu nhanh chóng hàm lượng ôxy trong nước, và đó chính là nguyên nhân làm chết nhiều loài sinh vật biển trong tự nhiên và nuôi trồng. Thuỷ triều đỏ thường xuất hiện gần bờ.

Có nhiều nguyên nhân gây ra thủy triều đỏ như ô nhiễm môi trường biển, sử dụng các hoạt chất hóa học nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tác động biến đổi khí hậu, tác động do chất thải các khu công nghiệp…

Các chuyên gia bác bỏ nguyên nhân thủy triều đỏ làm cá chết hàng loạt ở vùng biển miền Trung

Trao đổi với báo Vnexpress, một chuyên gia 40 năm kinh nghiệm nghiên cứu thủy sản nói: “Không thể có hai nguyên nhân này một lúc, bởi có chất độc thì không có tảo và ngược lại”.

Ông cho biết, nếu do tác động của độc tố hóa học khiến cá to chết nghĩa là cá nhỏ cũng vậy, trong đó có sinh vật phù du, tức là tảo cũng sẽ chết, mà “Tảo chết rồi thì làm gì nở hoa được”.

Ông khẳng định thủy triểu đỏ gây hại với cá tầng mặt chứ không phải tầng đáy, nếu tảo nở hoa, nước biển sẽ có màu đỏ hoặc màu xanh chủ đạo trên cả vùng biển, khi dạt vào bờ sẽ gây mùi hôi thối khó chịu, trong khi các biểu hiện này không có ở khu vực ven biển miền Trung.

Đồng tình với ý kiến trên, TS Nguyễn Hữu Dũng từng làm ở Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho Vnexpress biết, tảo nở hoa không thể khiến cá chết đột ngột, tức thời như vừa qua mà không có dấu hiệu rõ ràng. Hiện tượng này thường xảy ra gần bờ chứ không ở ngoài xa và sẽ gây cá chết tầng mặt chứ không phải tầng đáy. “Làm gì có chuyện tảo nở hoa trong cả sinh khối nước từ đáy lên mặt”, ông Dũng nói.

Về lý do độc tố hóa học từ nước thải con người, ông Dũng đề nghị làm rõ đó là độc tố là gì chứ không thể công bố chung chung như thế được.

Trao đổi với báo VietNamNet, TS Nguyễn Quang Tề – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 cho rằng, nếu kết luận cá chết là do thủy triều đỏ thì khó có thể giải thích được vì sao cá chết tại ven biển miền Trung trong thời gian qua chủ yếu là cá ở các tầng nước sâu.

Hội Nghề cá Việt Nam: Nên loại bỏ nguyên nhân cá chết hàng loạt do thuỷ triều đỏ

Còn theo ý kiến của Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên – môi trường, các dấu hiệu của hiện tượng cá chết hàng loạt vừa qua không thấy liên quan đến tảo nở hoa, do không có các dấu hiệu đặc trưng như xác tảo giạt vào bờ gây ô nhiễm, tảo nở dày đặc gây đổi màu nước, cá chết tầng đáy chứ không phải tầng mặt như chết do tảo.

Cũng theo Hội nghề cá Việt Nam, qua theo dõi thực tế, không có bằng chứng nào ghi nhận các hiện tượng động đất, sóng thần, núi lửa dẫn tới nhận định, đáy biển sinh ra chất độc làm cá chết ở tầng đáy.

Hội Nghề cá cho rằng nên loại bỏ nguyên nhân cá chết hàng loạt do thuỷ triều đỏ. Theo Hội Nghề cá, đến thời điểm này nguyên nhân cá chết do độc chất là có cơ sở nhất.

Theo báo Người Đưa Tin, Hội Nghề cá Việt Nam cũng đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ: Tại vùng biển Kỳ Anh (Hà Tĩnh, nơi phát sinh cá chết đầu tiên) có bao nhiêu ống xả thải do các nhà máy tự làm để xả nước thải chưa qua xử lý? Kết quả kiểm kê 300 tấn hóa chất được nhập về nhà máy Formosa đã sử dụng bao nhiêu, số đã sử dụng thì vào việc gì và sau khi sử dụng chúng có qua đường ống xả thải ra biển không? Nếu cá chết do chất độc thì chất độc ấy có phải từ nguồn xả thải của nhà máy tại huyện Kỳ Anh không?

Nếu kết quả phân tích cho thấy, cá chết không phải do độc tố, các nhà máy ở Kỳ Anh không thải ra chất độc, hoặc có thải ra chất độc nhưng không làm chết cá thì mới truy tìm nguyên nhân theo hướng khác.

Cá mới chết trôi dạt vào bờ sông Nhật Lệ (TP. Đồng Hới, Quảng Bình) sáng ngày 25/4. (Ảnh: Lê Phi Long/laodong.com.vn)Cá mới chết trôi dạt vào bờ sông Nhật Lệ (TP. Đồng Hới, Quảng Bình) sáng ngày 25/4. (Ảnh: Lê Phi Long/laodong.com.vn)

Vùng cá chết ở Huế: Nước biển nhiễm kim loại nặng, cá vẩu cũng chết dạt vào bờ

Sau khi tiến hành phân tích 9 mẫu nước và 7 mẫu trầm tích tại khu vực đầm Lập An, gần cửa biển Lăng Cô, huyện Phú Lộc; vùng ven bờ xã Quảng Công, huyện Quảng Điền và các xã Điền Hương, Điền Hải, huyện Phong Điền, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế xác định vào thời điểm xuất hiện cá biển và cá nuôi lồng chết hàng loạt trong khu vực của tỉnh, tại vùng cá chết, nước biển nhiễm kim loại nặng.

Theo kết luận điều tra, nguyên nhân cá biển, cá nuôi bị chết không phải do dịch bệnh mà do một tác nhân cực mạnh – chất độc trong môi trường nước dẫn đến việc cá chết hàng loạt trên địa bàn.

Theo báo cáo của Sở này, từ ngày 15/4 đến ngày 22/4, hiện tượng cá chết hàng loạt xuất hiện dọc bờ biển Thừa Thiên – Huế, lượng cá giảm dần từ Bắc xuống Nam; khả năng nguồn chất độc trong môi trường nước gây sự cố cá chết hàng loạt xuất hiện từ phía Bắc của tỉnh.

ca tang day ngoai khoi boi vao gan bo bien thua thien hueCá vẩu – Loài cá tầng đáy ngoài khơi bơi vào gần bờ biển Thừa Thiên – Huế hôm 26/4. Sau khi trôi dạt vào bờ, khoảng hơn 15 phút, con cá này bị chết. Hiện tượng này rất kỳ lạ đối với người dân nơi đây bởi cá vẩu là loài sống ở tầng đáy, ngoài biển khơi. (Ảnh: nld.com.vn)

Formosa Hà Tĩnh nhập gần 300 tấn hóa chất

Theo thông tin trên báo Vnexpress, thông tin từ Chi cục Hải quan Cửa khẩu Vũng Áng cho biết, thời gian qua, Formosa đã nhập gần 300 tấn hóa chất vào Việt Nam để phục vụ quá trình thi công và chuẩn bị vận hành các nhà máy nhiệt điện.

Trả lời vấn đề này với Vnexpress, một lãnh đạo cao cấp của Formosa cho hay, số hóa chất trên đã được Hải quan Hà Tĩnh cho phép nhập, công ty sử dụng tẩy rửa một số đường ống, cấu kiện hoen rỉ của nhà máy trong công trường. Các hóa chất sau khi tẩy rửa sẽ theo hệ thống kênh xả thải rồi đổ ra biển. Vị này cũng khẳng định, hóa chất đó không hề ảnh hưởng tới cá vì nó được xử lý cẩn thận theo quy trình mới đổ ra ngoài.

Đường ống xả thải ngầm khổng lồ dưới biển Vũng Áng của Formosa. (Ảnh: Youtube VTC14)Đường ống xả thải ngầm khổng lồ dưới biển Vũng Áng của Formosa. (Ảnh: Youtube VTC14)

Tại cuộc họp báo diễn ra chỉ trong vòng 30 phút ở trụ sở hành chính của Formosa ở thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) vào ngày 26/4 vừa qua, trả lời về việc Formosa nhập gần 300 tấn hóa chất về súc rửa đường ống xả thải, Giám đốc Formosa – ông Khâu Nhân Kiệt cho biết, Formosa có nhập một ít “axit” về rửa đường ống nhà máy, nhưng không phải dùng cho việc súc xả đường ống xả thải, mà chỉ dùng “áp suất không khí và nước” để súc xả đường ống xả thải. Việc xây nhà máy phía công ty xin phép, còn súc xả đường ống thì công ty không xin.

Tuy nhiên, việc Formosa có xử lý hóa chất đúng quy trình trước khi đổ ra biển hay không và có dùng hóa chất để súc xả đường ống hay không thì chưa có cơ quan chức năng nào kiểm định và xác nhận.

Người dân miền Trung nói riêng và người dân cả nước nói chung hiện đang mong chờ một câu trả lời thỏa đáng từ phía Bộ Tài nguyên & Môi trường.

Bạch Liên tổng hợp

Xem thêm:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét