Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016

Vì sao rất nhiều cụ rất già vẫn phải vất vả lao động kiếm sống?

Vì sao đến tận bây giờ vẫn còn có rất nhiều cụ rất già vẫn phải bươn chải lao động để kiếm sống đang là câu hỏi đau đáu của xã hội.

Sau trận mưa lớn nhất trong lịch sử 45 năm kéo dài hàng chục tiếng từ tối ngày 24 đến sang ngày 25/5/2016 đã biến Hà Nội phố thành sông. Nhiều con phố, nhiều khu chung cư ngập sâu hơn nửa mét nước. Các huyện ngoại thành có hàng ngàn hecta lúa, hoa màu ngập sâu. Ở nhiều địa phương khác như huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc), Nho Quan (Ninh Bình)…, cũng có hàng ngàn hecta lúa đang chuẩn bị thu hoạch chìm trong biển nước. Giữa cánh đồng mông mênh nước, hàng trăm nông dân thoi thóp, ngụp lặn cứu lúa, gặt mang về phơi để giảm thiểu thiệt hại. Trong đó, có bà Trần Thị Tứ, 74 tuổi, xã Tiên Lữ (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) lặn ngụp trong nước để vớt lúa, theo nongnghiep.vn đưa tin.

Hôm nay trời đã hết mưa, nắng nóng, nhưng dù đang ở phương Nam nắng ấm thì khi xem bức ảnh này cũng sẽ cảm thấy lạnh đến trái tim, thương cho những cụ già đang phải ngập mình trong dòng nước lạnh để cứu lúa thế này. Nhiều người đã xúc động, khóc nghẹn khi nhìn thấy bức ảnh mẹ 74 tuổi lội sâu đến ngực để vớt lúa! Đúng là “hạt thóc là hạt vàng”, hoặc nếu chỉ là hạt thóc nhỏ nhoi thì nó cũng là rất quan trọng với cuộc sống của mẹ.

Cụ Lộc (90 tuổi), ở thôn Đấu Tranh, xã Minh Cường, huyện Thường Tín, Hà Nội. (ảnh cắt từ clip)Cụ Lộc (90 tuổi), ở thôn Đấu Tranh, xã Minh Cường, huyện Thường Tín, Hà Nội. (ảnh cắt từ clip)

Còn nhớ tháng 12/2015, câu chuyện xót thương khi trên mạng đưa 1 đoạn video cảnh giữa tiết trời mùa đông giá rét Hà Nội, cụ bà tóc bạc trắng 90 tuổi chỉ mặc một chiếc áo cộc tay mỏng, bên ngoài khoác chiếc áo nilon sờn rách, mò cua bắt ốc sống qua ngày. Cụ hay nhặt nilông, bắt ốc ở gần cầu vượt Đỗ Xá. Bức ảnh cắt ra từ clip cũng đã thực sự gây bão trên mạng xã hội, xúc động lòng người, lay động đến tận nơi sâu thẳm nhất của con tim bạn đọc.

Hai bức ảnh trên chỉ là ví dụ rất nhỏ, trong thực tế người già Việt Nam thường vẫn phải đi lao động thêm để tự túc cuộc sống. Kể cả người có lương hưu và người không có lương hưu. Có thể một phần rất nhỏ người già là có tiền lương hưu cao hoặc có tiền tích lũy đủ sống mới không phải đi làm.

Vì sao?

Vì sao người già Việt phải đi làm đến tận lúc rất già để tự túc cuộc sống mà đáng lẽ họ nghỉ hưu thì nên được nghỉ ngơi, con cháu và xã hội nuôi dưỡng chăm sóc? Có rất nhiều lý do đối với nhiều trường hợp khác nhau.

Hiện nay hầu hết người lao động ở nông thôn là không có lương hưu, nên người nông dân phải luôn tự lao động kiếm sống, không có tính tuổi về hưu. Lao động ở nông thôn thu nhập thấp nên con cháu khó có tiền để chu cấp cho cuộc sống của bố mẹ già, vì chính họ còn phải đang vật lộn để lo cho cuộc sống của gia đình họ.

Người ở thành phố cũng vậy, nhiều người có lương hưu, nhưng lương hưu rất thấp, chỉ 3-4 triệu đồng/tháng. Với 3-4 triệu đồng ấy thì sống ở thành phố trong thời giá hàng hóa sinh hoạt đắt đỏ thế này thì rất khó khăn. Chưa kể còn các chi phí xã hội khác như thăm hỏi người ốm, cúng giỗ, ma chay, cưới hỏi mà người sống trong cộng đồng không thể tránh được. Phong tục lo cưới hỏi, dựng vợ gả chồng cho con cái, làm nhà cho ở riêng cũng đòi hỏi người già phải lo lắng về tài chính, hết chuyện con đến chuyện cháu, dòng đời vô tận hiếm khi mà họ không phải lo lắng đến đồng tiền, nên họ vẫn phải đi làm kể cả khi rất già.

Đấy là chưa kể lúc trái gió trở trời ốm đau phải mua thuốc hoặc đi bệnh viện trong khi giá thuốc, chi phí y tế tăng cao. Với môi trường sống ô nhiễm tăng cao, với nguồn thực phẩm bẩn đang tung hoành hiện nay thì tỷ lệ mắc bệnh của người già rất cao. Thực tế là bệnh viện xây ra bao nhiêu vẫn không đủ, bệnh viện luôn quá tải, mỗi giường bệnh đều có từ 2-5 người bệnh. Người già khi mắc bệnh đi viện thì tài chính của gia đình đó sẽ kiệt quệ vì chi phí khám chữa bệnh rất cao, dù có bảo hiểm trả phần lớn thì phần còn lại cũng là gánh nặng quá lớn đối với người già.

Xu hướng để dành của người Việt không thực hiện được

Vì những lý do trên mà người Việt luôn có xu hướng hạn chế chi tiêu, tích lũy để dành cho tiêu dùng khi về già. Nhưng gần đây, không có một phương cách nào bảo toàn giá trị cho những khoản tiền của họ bởi những kênh tích trữ tài sản đều tạo ra giá trị “âm”.

Đối với gửi tiết kiệm ngân hàng, những câu chuyện mới đây gửi vào bằng tiền mua căn hộ tập thể, nhưng sau 15 năm rút ra chỉ còn mua được 3 bát phở làm người dân chịu thiệt quá nhiều. Vì lạm phát luôn cao, có thời kỳ như 2010 lạm phát gần 20% (18,3%), nên tiền gửi luôn lãi suất âm. Lý do này làm ít người dám gửi tiền dài hạn, vì càng gửi lâu càng thiệt.

Để tránh mất giá, trước đây người dân hay mua vàng để tích trữ, gom đủ tiền là họ mua một vài chỉ vàng, chính khoản tiền để dành này sẽ được bảo toàn trị giá và giúp họ về già có nguồn để sống. Nhưng gần đây do việc chỉ có 1 loại vàng SJC mà tạo ra độc quyền, họ không mua lại các loại vàng khác hoặc vàng cong vênh, méo…, người dân trong mấy năm gần đây đều lỗ nếu tích trữ bằng vàng.

Vậy là không còn bất cứ kênh nào để người dân tích lũy tài sản cho cuộc sống khi về già.

Làm cách nào?

Về kinh tế cần tập trung chống lạm phát, có nhiều yếu tố, nhưng phải kiên quyết cắt giảm chi tiêu công hợp lý, hiệu quả và không nên phát hành tiền bù đắp thiếu hụt để chống lạm phát.

Về thị trường vàng cần phải để phát triển theo đúng kinh tế thị trường, không nên bóp méo, tạo ra độc quyền, gây thiệt hại cho người dân.

Cần phát triển kinh tế, tăng phúc lợi xã hội cho người già. Đối với người già trên 70, 80 tuổi thì các nước đều có những giải pháp ưu tiên để người già đỡ vất vả, sống hạnh phúc hơn. Đó cũng chính là hạnh phúc, phồn vinh của xã hội.

Thành Long

Xem thêm:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét