Một phóng viên truyền hình ở đông bắc Trung Quốc đã đến đồn cảnh sát để tìm cách đưa tin về buổi hòa giải một vụ tranh chấp hợp đồng đang thu hút sự chú ý của dư luận. Cô đã bị đánh đập dã man và phải nhập viện để điều trị.
Vào ngày 14/4, cô Tào Dương, một phóng viên của đài truyền hình nhà nước thành phố Cáp Nhĩ Tân, và hai đồng nghiệp – phóng viên thực tập Xiao Hong và người quay phim Jiang Peng – đã đến đồn cảnh sát Nội Lục Cảng ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang. Họ muốn tìm hiểu về kết quả của việc giải quyết một vụ bất đồng hợp đồng đã tồn tại từ lâu giữa một công ty sửa chữa đường sắt cao tốc và một công ty vận chuyển thiết bị cho công ty kia.
Ông Lý Xương Hoành, trưởng đồn cảnh sát Nội Lục Cảng đã cho phép cô Tào tham dự các cuộc bàn bạc hòa giải kín trong văn phòng của mình với hai điều kiện là cô Tào không được thu hình cuộc bàn bạc, và hai đồng nghiệp khác của cô phải chờ ở ngoài cửa. Cô này đã đồng ý với các điều kiện và được cho vào.
Một lúc sau, tiếng thét kêu cứu của cô Tào phát ra từ văn phòng của vị cảnh sát trưởng. Cảnh quay video của đài truyền hình Cáp Nhĩ Tân cho thấy các đồng nghiệp của cô này cuống cuồng đập cửa trước khi hai sĩ quan cảnh sát mở cửa ra. Trong giây phút cánh cửa hé mở ngắn ngủi, người ta có thể thấy cảnh sát trưởng Lý đang ấn cô Tào xuống sàn trước khi các sĩ quan cảnh sát khác chặn máy quay phim và đóng cửa lại.
Khi cố gắng giải cứu đồng nghiệp của mình khỏi tay cảnh sát, phóng viên thực tập Xiao Hong và người quay phim Jiang Peng nhận thấy bản thân đang ở trong một tình huống quái gở.
Khi cô Xiao gọi đường dây nóng khẩn cấp 110, người trực tổng đài nói: “Đồn cảnh sát cho biết các chị đang ở trong phạm vi quyền hạn của họ. Vì vậy, ngay cả khi cảnh sát được gửi đến chỗ của các chị thì các sĩ quan sẽ đến từ đồn này. Do các chị cho rằng mình đã bị hành hung tại đồn cảnh sát này, nên chỉ có cảnh giám (sĩ quan cao cấp đứng đầu một cục cảnh sát) hoặc Ủy ban kiểm tra kỷ luật địa phương mới có thể can thiệp.”
Văn phòng của cảnh giám công an thành phố Cáp Nhĩ Tân được đặt tại trụ sở Cục Công an địa phương. Ủy ban kiểm tra kỷ luật là cơ quan điều tra nội bộ bí mật của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Việc gọi điện đến ủy ban kiểm tra kỷ luật địa phương cũng không giúp ích. “Chẳng phải các vị đã nói là sẽ không ghi hình? Vậy nên có tranh cãi trong tình huống này. Tại sao tất cả các vị không cùng nói chuyện để giải quyết vấn đề? “
Theo một bản tin của Đài phát thanh Á Châu Tự Do (RFA) vào ngày 22/4, Cảnh sát trưởng Lý Xương Hoành đã bị cách chức. Nhưng theo luật, ông Lý lẽ ra phải bị bắt giam, luật sư Bắc Kinh Lý Tĩnh Lâm nói với RFA.
“Nếu tiếp đó là xử phạt hành chính, thì ông ta phải bị sa thải”, luật sư Lý giải thích. “Nói cách khác, sau khi sự phản đối từ công chúng lắng xuống một vài ngày, ông ta sẽ quay trở lại làm việc ở một vị trí mới.”
Theo trang web tin tức Trung Quốc The Paper, ông Lý đã bắt gặp cô Tào quay phim cuộc bàn bạc bằng điện thoại, và đã đánh đập cô này trước khi tịch thu hai chiếc điện thoại di động mà cô mang theo. Cô Tào sau đó đã nhập viện vì bị thương, nhưng tình trạng sức khỏe hiện tại của cô vẫn chưa được biết rõ.
Trong mục thảo luận của báo mạng The Paper, cư dân mạng bày tỏ sự phẫn nộ trước sự tàn bạo của ông Lý và sự thiếu hồi âm từ các quan chức chính phủ khác.
Độc giả biệt danh Ranlingzhi đã viết, “Hai nhân viên cảnh sát thường trực kia có bị trừng phạt không? Tất cả họ đều vi phạm pháp luật. Trung tâm khẩn cấp 110 chỉ đơn giản là phủi tay vụ việc! Và các quan chức kiểm tra kỷ luật đã không làm gì! Tôi nghĩ rằng tất cả các công dân Trung Quốc cần suy ngẫm sâu sắc về vụ việc này.”
Một cư dân mạng khác viết: “Các phóng viên đóng vai trò giám sát cho dư luận. Nếu họ không ghi hình thì ai có thể cung cấp bằng chứng khi cảnh sát bắt đầu nói dối?! Bất kể là trường hợp gì, làm sao mà các nhân viên cảnh sát, những người lẽ ra nên cư xử như những quý ông, lại có thể đánh đập một nữ phóng viên yếu đuối? Liệu có quyền hành có đồng nghĩa với việc có thể lạm dụng luật pháp không?”
Frank Fang, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Minh Tuệ biên dịch
Xem thêm:
0 nhận xét:
Đăng nhận xét