Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2016

Cuộc hành trình đi tìm sự thật về “xác rũ” tại An Giang (Phần 1)

Chúng tôi bắt đầu chuyến đi của mình với mong muốn được tận mắt nhìn thấy xác chết không phân hủy suốt bốn mươi mấy năm nổi tiếng một thời. Với cái địa chỉ mơ hồ tìm được trên một số trang báo đã đăng trước đó, cùng quãng đường hơn 300 km trên bản đồ, chúng tôi từ Sài Gòn men theo con sông Tiền tìm đến “xác rũ”.

Xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang – đó là những thông tin đầu tiên mà chúng tôi có được. Với sự hướng dẫn của bản đồ, chúng tôi mất khoảng 6 tiếng đồng hồ một mạch chạy xe đến phà chợ Vàm (bến phà được cho là sẽ đưa qua xã Phú Thạnh).

Ngồi trên chuyến phà băng qua nhánh sông Mê Công rộng lớn, tôi chợt thấy mình nhỏ bé giữa sông nước mênh mông, một sự lạc lõng ở miền quê vắng vẻ, tôi chợt thấy rùng mình khi nghĩ về những điều huyền bí xoay quanh câu chuyện xác chết kỳ lạ này. Những điều huyễn hoặc cứ thế tiếp diễn trong tâm trí, có lẽ tôi không phải là người quá can đảm. Tuy nhiên, mong muốn tìm hiểu sự thật vẫn thôi thúc tôi tiến tới.

Phà chợ Vàm. (Ảnh: Liễu Tự Minh/Đại Kỷ Nguyên)Phà chợ Vàm, xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân, An Giang. (Ảnh: Liễu Tự Minh/Đại Kỷ Nguyên)

Sau khi qua sông, chạy về hướng xã Phú Thạnh khoảng 2km, một cảm giác nào đấy mách bảo là chúng tôi đã ở rất gần điều mình muốn tìm.

Chúng tôi ghé vào một quán nước ven đường vừa để nghỉ chân vừa để tìm chút thông tin. Gọi nước xong chúng tôi đi thẳng vào vấn đề hỏi về xác chết bí ẩn. Một người phụ nữ trên 50 tuổi tiếp đón chúng tôi niềm nở, cô nói rằng, ở đây mọi người thường gọi là “xác rũ” và cũng chẳng ai còn xa lạ gì với xác cậu Hào.

Thật tình thì tôi cũng là bà con xa với cậu Hào, ngày xưa nhà tôi và nhà đó gần sát bên nhau. Cậu Hào hiền lành, học giỏi chỉ tiếc là bị bệnh tật chết khi còn quá trẻ”, cô tâm sự.

Người phụ nữ này cho biết cô đã sống ở đây từ khi lọt lòng mẹ, nên những cậu chuyện về cái xóm này cô đều tỏ tường.

Chúng tôi tò mò hỏi về nguyên nhân cái chết của cậu Hào, cô cho biết, “Tôi nghe nói là sau khi làm đám tang và chôn cất xong xuôi, tối đó ổng về báo mộng nói là chưa chết và bảo phải đào lên vào giờ tí hay giờ ngọ gì đấy, nhưng gia đình chần chừ, lưỡng lự, đến khi đào lên thì đã qua giờ nên ổng không thể sống lại. Nhưng xác thì vẫn ấm như là đang ngủ, đặc biệt khi đổ nước vào miệng thì nước vẫn trôi hết xuống cổ họng, điều này quá kỳ lạ. Chính vì thế mà gia đình không dám đem chôn, lồng kính để đến bây giờ với hy vọng một ngày nào đó ổng sẽ tỉnh lại”.

Con nghe nói có rất nhiều câu chuyện huyền bí về cậu Hào và từ trước đến giờ cũng có nhiều người đến xin xăm, cầu tiền tài và thâm chí là xin bùa yểm… Cô có biết về vấn đề này?” – Chúng tôi chăm chú hỏi.

Người phụ nữ cười khẽ rồi từ tốn trả lời: “Miệng đời mà cậu, lời đồn thì lúc nào cũng bay xa. Thật ra ở đây người ta kiêng nể cậu Hào lắm, ngày trước cũng có nhiều người đến viếng cậu, nhưng giờ thì hết rồi”.

Nhưng có một chuyện thế này, cũng thấy rất kỳ lạ. Lúc trước tôi có một người em họ, nó có một người anh em chí cốt cùng nhau tham gia trong chiến tranh thời loạn lạc, sau này chiến tranh kết thúc chúng vẫn coi nhau như anh em trong nhà. Rồi một hôm chúng cùng nhau đi ngang qua nhà cậu Hào, bỗng nhiên hai đứa rút súng bắn lẫn nhau. Một thằng chết tại chỗ, một thằng chở đến bệnh viện rồi cũng chết.

Cả làng tôi lúc đó thật không hiểu nổi sự tình thế nào, vì ai cũng biết chúng thương nhau còn hơn anh em ruột thịt. Lúc vào bệnh viện thăm nó tôi có nghe nó kể lại trước lúc trút hơi thở cuối cùng. Nó bảo khi đến trước cổng nhà cậu Hào, chợt nghe thấy tiếng ai đó thôi thúc hai đứa bắn nhau, chứ không có xảy ra xích mích gì cả”.

Đó là câu chuyện huyền bí duy nhất mà người phụ nữ này kể với chúng tôi.

Sự bí ẩn khiến chúng tôi nôn nóng muốn được gặp cái xác cậu Hào này. Người phụ nữ nhiệt tình chỉ đường cho chúng tôi, và người con rể của bà tiện thể đi qua đó đã dắt chúng tôi đến tận nơi. Trước khi đi, bà dặn rõ là nói đến để viếng cậu Hào, như thế người ta sẽ cho vào.

Đi theo người con rể của bà một đoạn khoảng 1 km là tới nhà cậu Hào. Nơi đây khá đông đúc xe tải, thương lái và những người khuân vác. Phía trước nhà có một quán nước tạm bợ với vài chiếc bàn, chúng tôi vào quán ngồi uống nước và bắt chuyện. Thì ra đây là một trạm cân lúa, nơi những người nông dân đem lúa đã thu hoạch của mình đến cân và bán cho thương lái. Chủ quán nước cũng chính là bà chủ của ngôi nhà bí ẩn này.

Như lời đã dặn, chúng tôi vào quán và xin phép được viếng cậu Hào. Bỗng nhiên nhiều ánh mắt nhìn vào chúng tôi một cách kỳ lạ. Có lẽ một phần họ nhận ra chúng tôi là người từ phương khác đến, một phần vì nghe chúng tôi nhắc đến cậu Hào.

Bà chủ nhà bận buôn bán nên chúng tôi ngồi đợi một lúc khá lâu. Ngồi trong quán nước, tôi đưa mắt nhìn về phía sau, xuyên qua các khe hàng rào sắt, một căn nhà ba gian với mái ngói hiện ra đầy dấu ấn thời gian. Đây hẳn là một ngôi nhà cổ, với phần mái nhà rất cao và kết cấu cũng như nội thất bên trong toàn bằng gỗ. Tuy nhiên, cũng chính vì nét cổ kính có phần xưa cũ này làm cho ngôi nhà thêm ma mị.

Căn nhà cổ nơi cất giữ xác cậu Hào. (Ảnh: Liễu Tự Minh/Đại Kỷ Nguyên)Căn nhà cổ nơi cất giữ xác cậu Hào. (Ảnh: Liễu Tự Minh/Đại Kỷ Nguyên) Căn nhà cổ nơi cất giữ xác cậu Hào. (Ảnh: Liễu Tự Minh/Đại Kỷ Nguyên)Căn nhà cổ nơi cất giữ xác cậu Hào. (Ảnh: Liễu Tự Minh/Đại Kỷ Nguyên)

Hơn 30 phút sau, bà chủ nhà gọi chúng tôi lại bảo: “Các cậu muốn viếng cậu Hào thì vào đây với tôi.

Vui mừng quá đỗi, chúng tôi sốt sắng đi theo bà. Nhưng khi vừa bước vào gian đầu tiên của ngôi nhà thì một cảm giác ơn ớn lạnh bắt đầu xuất hiện. Bên trong nhà hoàn toàn tĩnh mịch và khá tối. Bà đưa chúng tôi đến một căn phòng có cấu trúc khá lạ, nhiều đồ đạc chất xung quanh, có lẽ vì không ai ở phòng này nên được trưng dụng làm nhà kho. Rồi bà chỉ tay về phía căn gác lửng: “Kìa cậu Hào nằm trên đó”.

Bám theo mấy bậc thang khập khiễng để lên trên gác, trước mắt chúng tôi hiện ra một chiếc quan tài nằm chắn giữa căn gắc chưa tới 10 m2. Phía trước quan tài là một bàn thờ, bên trên có treo một bức hình Phật, ngoài ra không có di ảnh của cậu Hào. Chiếc quan tài không nằm thẳng mà nằm chéo một bên so với căn gác.

Sau khi thắp hương cho cậu Hào, chúng tôi xin được chụp vài tấm hình. Bà chủ trầm tư một lúc rồi bảo: “Ừ! Cậu muốn chụp thì cứ chụp nhưng có lên hình hay không thì cô không biết”, bà hạ giọng, “việc này chắc mấy con cũng hiểu rồi, tâm linh mà, rất khó nói”.

Chúng tôi cảm thấy hơi khó hiểu trước lời cảnh báo của bà, nhưng vẫn tiến lại gần quan tài để chụp. Chiếc quan tài bằng gỗ khá cũ, bên trên có nắp bằng kính cũng khá mờ. Nhìn xuyên qua lớp kính đục, chúng tôi thấy một cái xác được phủ kín bằng những lớp vải mỏng, các bộ phận tay chân cũng được bao bọc lại, và khuôn mặt cũng được phủ lên một lớp khăn. Tuy nhiên, với những đường nét lộ ra bên dưới tấm vải, thì đây không phải là một bộ xương mà thật sự là một cái xác nguyên vẹn.

Quan tài cậu Hào. (Ảnh: Liễu Tự Minh/Đại Kỷ Nguyên)Quan tài cậu Hào. (Ảnh: Liễu Tự Minh/Đại Kỷ Nguyên)

Tôi xin phép cậu Hào để được chụp vài tấm hình, tuy trời khá tối nhưng vì để tôn trọng người đã khuất và vì nắp quan tài bằng kính nên tôi không thể bật đèn flash.

Tôi vừa đưa chiếc điện thoại lên và chụp được hai tấm hình, thì bà chủ liền tắt bóng đèn “cà na” nhỏ trên bàn thờ, nơi phát ra ánh sáng duy nhất cho căn gác. Dường như không muốn nán lại trên này lâu, bà giục chúng tôi xuống nhà nói chuyện…

(Mời đón xem phần 2)

Liễu Tự Minh

Xem thêm:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét